Nguy hại khi bố mẹ chiến tranh lạnh ảnh hưởng tới con cái

“Khi con cái thấy bố mẹ cùng thiện chí giải quyết các khúc mắc thì những ảnh hưởng tiêu cực trước đó có thể bị xóa đi”, nhà tâm lý nói.

Các nghiên cứu cho thấy trẻ nhạy cảm với cả sóng ngầm trong hôn nhân của bố mẹ chứ không chỉ khi phụ huynh gào thét vào mặt nhau.

Theo Theatlantic, trong khi nhiều người biết rằng những trận cãi vã nảy lửa trước mặt con cái có ảnh hưởng xấu tới trẻ, các nhà nghiên cứu thấy rằng, những cuộc chiến tranh lạnh cũng tác động tương tự.

“Trẻ em giống như những chiếc máy đo cảm xúc”, E. Mark Cummings, một giáo sư tâm lý tại Đại học Notre Dame nhận xét. Ông đã thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về ảnh hưởng của các mối bất hòa trong hôn nhân tới trẻ trong hơn 20 năm. Ông cho biết, trẻ cực kỳ nhạy trước cách ứng xử, cảm xúc của bố mẹ với nhau.

Nhiều đôi cho rằng cố giữ ấm ức trong lòng sẽ tốt cho con cái nhưng nghiên cứu cho thấy kiểu xung đột này ảnh hưởng đáng kể tới hành vi và cảm giác bình an của trẻ. Khi tiếp xúc với xung đột kéo dài mà không được giải quyết, trẻ dễ đánh nhau với bạn ở trường và thể hiện các dấu hiệu buồn chán, tức giận và thù địch. Trẻ cũng khó ngủ về đêm, ảnh hưởng tới việc học hành. Có những bé còn tăng nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo âu, ngại giao tiếp và dễ cáu giận.
bo-me-8519-1478658247
Ảnh minh họa: Huffingtonpost.

Để phân tích các hưởng này, các nhà nghiên cứu đã thu thập số liệu từ 232 gia đình, sử dụng một số phương pháp để kiểm tra xem xung đột của bố mẹ ảnh hưởng tới con cái thế nào. Người ta đưa các phụ huynh vào phòng thí nghiệm và ghi âm các cuộc thảo luận của họ về những chủ đề khó, sau đó cho trẻ nghe lại và đánh giá phản ứng cảm xúc của con. Bằng chứng cho thấy những thái độ thù địch không lời – như nhìn nhau khinh miệt, giận dỗi hay không thèm trả lời người kia cũng khiến trẻ phiền muộn như khi chứng kiến bố mẹ cãi hay đánh nhau.

Trong một thử nghiệm khác, các bố mẹ được yêu cầu viết nhật ký ở nhà ghi lại những xung đột của họ xảy ra trước các con và cả trong phòng riêng. Nghiên cứu kết luận, trẻ hiểu cả những điều xảy ra ngoài tầm mắt mình. Nói cách khác, trẻ là những nhà phân tích tài ba: Các con có thể biết bố mẹ đang giả vờ hòa thuận. Những nghiên cứu này dấy lên những câu hỏi về các cách nuôi truyền thống.

Trong cuốn sách Marital Conflict and Children, Cummings và Patrick T. Davies, giảng viên tâm lý tại Đại học Rochester đã nêu những kiểu ứng xử có hại mà các đôi hay sử dụng khi họ tức giận với bạn đời, làm bào mòn gia đình. Chẳng hạn, một người không nói gì hay bỏ đi trong cuộc tranh cãi với người kia. Cách ứng xử này gây ảnh hưởng tiêu cực tới không khí gia đình và cách nhìn nhận của trẻ.

Điều này không có nghĩa là bố mẹ nên thoải mái cãi nhau trước mặt trẻ mà theo nhà tâm lý Ramani Durvasula, (California, Mỹ) thì “những uất ức trong hôn nhân dễ khiến trẻ nghĩ chính mình gây ra các vấn đề của bố mẹ”.

Bà nhấn mạnh rằng một đứa trẻ từng chứng kiến những hành vi này dễ lặp lại trong các mối quan hệ tương lai khi trở thành người lớn.

Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng trẻ thực sự có lợi khi thấy bố mẹ đương đầu với xung đột – ít nhất khi họ xử lý tốt các vấn đề và biết thỏa thuận với nhau.

“Khi con cái thấy bố mẹ cùng thiện chí giải quyết các khúc mắc thì những ảnh hưởng tiêu cực trước đó có thể bị xóa đi”, nhà tâm lý nói.

Tất nhiên, một giải pháp duy nhất không thể cứu nguy cho mọi cuộc hôn nhân nhưng có một số cách có thể giúp các đôi giữ hạnh phúc gia đình và làm gương tốt cho con. Chẳng hạn, trong cuốn sách The Seven Principles for Making Marriage Work, tác giả John F. Gottman và Nan Silver, nhấn mạnh rằng những đôi biết rèn trí thông minh cảm xúc và trân trọng các nhu cầu của mỗi người hơn việc thường xuyên bất đồng và chống lại nhau sẽ dễ truyền các kỹ năng này tới con cái của mình. Yếu tố này đóng vai trò quan trọng đoán trước sự thành công của đứa trẻ trong cuộc sống sau này. Một đứa trẻ nhạy cảm với các cảm xúc và dễ hòa hợp với mọi người sẽ dễ có tương lai tươi sáng hơn, dù cho khả năng học hành, chỉ số IQ của bé thế nào.

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *