Những sai lầm bố mẹ cần chú ý nếu không muốn con mình dễ thất bại khi lớn lên

Chúng ta nên dạy con không nản lòng khi thất bại và biết cố gắng thay vì giúp trẻ luôn thắng.

Nổi điên khi con ăn vạ, thưởng để con ăn ngoan… là những cách bố mẹ đang củng cố hành vi xấu ở trẻ.

Dưới đây là sai lầm của không ít phụ huynh, khiến trẻ trở thành những người dễ thất bại khi trưởng thành, theo Lifehack:

Cố gắng để con lúc nào cũng hạnh phúc

Cuộc đời không phải là một câu chuyện cổ tích. Thực tế khá khắc nghiệt. Tốt hơn là nên chuẩn bị cho con đối mặt với điều đó bằng cách trải nghiệm cuộc sống như vốn có. Chắc chắn, chúng ta luôn muốn con có được một buổi sinh nhật tuyệt vời hay cho con kẹo mỗi lần bé thua khi chơi với bạn bè nhưng điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy cuộc đời là màu hồng. Và sau đó, khi gặp điều gì không như ý, con dễ bi quan, vỡ mộng.

Vì vậy, hãy để con trải nghiệm cả thăng lẫn trầm trong các hoạt động hằng ngày và khi tương tác với người khác. Từ đó, trẻ sẽ học được rằng cảm xúc có thể bị tổn thương và những vết trầy xước khi chạy nhảy, ngã… rồi sẽ lành. Những điều đó giúp con mạnh mẽ hơn trong cuộc sống khi trưởng thành.
kid-5152-1478490435
Ảnh minh họa: Sg.theasianparent.

Thể hiện sự nóng giận khi con ăn vạ

Khi con nổi cơn giận dữ, nếu bố mẹ cũng thể hiện sự cáu kỉnh, điên tiết thì tình trạng càng trở nên hỗn loạn. Hơn nữa, làm như vậy, bạn càng củng cố thêm hành vi xấu của con. Hãy bình tĩnh khi quở trách con và giải thích lý do tại sao trẻ bị mắng và điều bạn mong đợi ở trẻ.

Nếu bạn không kiềm chế được bản thân mỗi khi con ăn vạ, trẻ có thể thích thú khi nhìn cảnh bố, mẹ nổi điên vì mình và coi đó là một chiến tích – khi trẻ điều khiển được cảm xúc của người lớn.

Thưởng cho mọi thứ

Trẻ có thể quen dần với lịch thường ngày. Con sẽ thức dậy vào buổi sáng, ăn uống, chơi trò chơi và xem TV hoặc đi học. Nếu trẻ từ chối ăn sáng và bạn dụ con bằng phần thưởng trước hay sau khi bé ăn, lần sau con sẽ không ăn nếu không được gì.

Vì vậy, nếu có thưởng cho trẻ khi bé làm việc gì đó, hãy giải thích rõ với con rằng mẹ chỉ làm như vậy lần này và bạn mong con tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đó vào lần sau mà không cần phần thưởng.

Giúp con quá nhiều

Đưa ra lời đề nghị giúp đỡ trẻ quá nhiều có thể sẽ nuôi dưỡng sự lười biếng và khiến trẻ thiếu động cơ để phấn đấu khi trưởng thành. Chúng ta không thể lúc nào cũng bật TV hay lấy kem đánh răng vào bàn chải sẵn cho trẻ bởi vì bạn không phải lúc nào cũng ở cạnh con được.

Trong cuộc sống thực tế, có nhiều tình huống mà xung quanh chẳng có ai để dựa vào ngoài bản thân. Càng sớm dạy con rằng trẻ có thể tự thức dậy và rót nước uống khi khát, con bạn càng có khả năng tự lập và thành công trong tương lai.

Luôn để con được chiến thắng

Chúng ta không ở bên con mọi lúc được. Nếu bạn luôn làm mọi cách để con chiến thắng, trẻ có thể nghĩ rằng thế giới này được tạo ra như vậy, khác xa thực tế. Khi bước ra bên ngoài và chơi với bạn bè, trải nghiệm sự thất bại, trẻ sẽ thất vọng vì chưa từng quen với việc này.

Trong cuộc đời thực, có những điều tốt nhất và điều tốt nhì, và tốt nhì không có nghĩa là điều tệ. Chúng ta nên dạy con không nản lòng khi thất bại và biết cố gắng thay vì giúp trẻ luôn thắng.

Để trẻ tránh các xung đột

Che chắn cho con khỏi các cuộc đụng độ, mâu thuẫn có thể lại là điều xấu, nếu việc này được thực hiện quá mức. Chúng ta vẫn nên bảo vệ, hướng dẫn con nhưng cuối cùng cần để trẻ tự đương đầu với những mâu thuẫn nhỏ để con trở nên tự ý thức hơn về bản thân và cảm xúc của người khác. Trẻ sẽ học được cách chia sẻ, chơi công bằng và đối xử với mọi người bằng sự quan tâm và thông cảm. Điều này giúp con có mối quan hệ tốt đẹp hơn với bạn bè khi nhỏ và cả lúc trưởng thành.

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *